Cái nôi của mọi thời đại, mọi công trình kiến trúc vĩ đại nhất dù lớn hay nhỏ đều như những đứa con tinh thần vô giá được sinh ra dưới bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo không giới hạn của các kiến trúc sư.

Đây là một nghề để vinh danh với những gì họ để lại cho nhân thế. Người ta có thể định giá một ngôi nhà, định giá chính xác tiền gạch, tiền bê tông nhưng không ai có thể định giá một ý tưởng, tất cả những gì thuộc về sáng tạo đều rất trừu tượng. Người ta thường nhắc về một siêu sao bóng đá với mức lương triệu đô, nhà khoa học, bác học hay những minh tinh hào nhoáng mức lương nghìn đô hay thậm chí khủng hơn nữa và đi cùng với những tên tuổi nổi đình đám đó dinh thự, tổ ấm hay những bất động sản cũng được nhắc đến với sự kỳ vọng và quan tâm đáng kể và tất nhiên đứng đằng sau chúng, luôn có một cái tên nữa.

Đáng giá và sáng giá – đi cùng với nỗ lực và tài hoa, ngành kiến trúc sư phát triển mỗi ngày không ngừng nghỉ và sự nhiệt huyết của họ thể hiện rõ ràng với mỗi công trình.

Sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và kỹ thuật

Đây là một bài toán khó, cần phải dung hòa cả hai yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật. Nghe có vẻ là mâu thuẫn nhưng chính xác đó là những công cụ mà một kiến trúc sư tài hoa phải nắm rõ trong lòng bàn tay. Nghệ thuật là óc sáng tạo, là ý tưởng, là sự đột phá mang đến cho không gian hình hài kiến trúc. Còn kỹ thuật hoàn toàn ngược lại, kỹ thuật không cần sáng tạo, kỹ thuật cần sự chính xác trong tính toán kết cấu và sắp xếp không gian để hướng tới tư vấn giải pháp công năng hiệu quả nhất.

“Không gian là hơi thở của nghệ thuật” – câu nói nổi tiếng của Frank Lloyd Wright, vị kiến trúc sư lừng danh người Mỹ. Nghệ thuật ở đây đại diện cho thẩm mỹ, nói dễ hiểu là vẻ đẹp ngay từ cái nhìn đầu tiên mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy. Nhà cao bao nhiêu tầng, thiết kế theo lối kiến trúc gì, không gian có điểm gì nổi bật, điểm nhấn của ngôi nhà nằm ở tạo hình kiến trúc gì, thậm chí cả vật liệu kiến trúc như đá, sơn, gỗ tất cả đều đã nằm trong tính toán của kiến trúc sư khi hoàn thiện vẻ đẹp của tòa nhà (đối với dự án nhà ở).

Đối với các công trình như bệnh viện, trường học hay công ty, trung tâm mua sắm, cơ quan hành chính làm việc nhà nước, mỗi công trình đều mang đặc thù riêng. Nhiệm vụ của kiến trúc sư là thiết kế một diện mạo không những phải đẹp, có điểm phá cách mà còn phải phù hợp với công năng và văn hóa thẩm mỹ chung. Đây là một điểm khá đau đầu.

Kiến trúc sư phải vẽ đẹp. Đây là điều tất yếu. Nghệ thuật ở đây bao gồm cả đôi bàn tay và khối óc sáng tạo và hiểu biết sâu rộng. Kết hợp cùng khả năng tính toán và đưa ra được con số kinh tế. Đây là hai yếu tố đi liền nhau một bài toán thiết kế kiến trúc. Đẹp nhưng không thực tế, không phù hợp, bỏ. Kết cấu đảm bảo yêu cầu xây dựng, phong thủy tốt nhưng không đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, bỏ. Dự án coi như thất bại nếu người làm nghề không thể dung hòa hai yếu tố này.

Sáng tạo và nguyên tắc

Ở đây, chúng ta có hai vấn đề: sáng tạo không đáp ứng nguyên tắc và nguyên tắc không đáp ứng sáng tạo (sự phá vỡ nguyên tắc).

Khi sáng tạo không đáp ứng nguyên tắc: có rất nhiều nguyên tắc đối với một dự án, ví như màu sắc, chiều cao, diện tích, vị trí cửa, lan can, lối kiến trúc tổng thể, quy định của địa phương, quy định của nhà nước đối đất xây dựng vv… Kiến trúc ở đây lại đóng một vai trò quan trọng hơn, không chỉ là thiết kế mà còn là tầm nhìn trong việc thi công xây dựng. Với những nguyên tắc mang tính bắt buộc thực thi do nhà nước và địa phương quy định, việc sáng tạo cần thiết phải nằm trong khuôn khổ này. Nếu không sẽ gây ra rất nhiều hậu quả về sau cho gia chủ hay chủ đầu tư. Đây là điều tất yếu đối với mỗi dự án thiết kế xây dựng.

Trường hợp nguyên tắc không đáp ứng được sáng tạo. Kiến trúc sư đôi khi bị chi phối bởi rất nhiều nguyên tắc không giới hạn từ phía chủ đầu tư. Nói một cách khác, họ đưa ra một bài toán và nhiệm vụ của chúng ta là phải giải được bằng nhiều cách khác nhau. Đứng trước những hướng đi khác nhau, lúc này đòi hỏi rất nhiều kỹ năng thuyết phục từ phía kiến trúc sư để đưa ra cho khách hàng giải pháp tốt nhất. Nhưng đôi khi giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất lại không nằm trong nguyên tắc hay sở thích, lập trường của chủ đầu tư. Lúc này đòi hỏi rất nhiều từ phía kiến trúc sư kiến thức sâu rộng không chỉ trong việc thiết kế nữa, mà là tích hợp văn hóa, phong thủy để đưa ra một cách giải bài toán hợp lý mà chủ đầu tư của bạn không thể từ chối.

Nghề chọn mình hay mình chọn nghề?

Bác sĩ, giáo viên hay công nghệ, nghề nào cũng đều mang trong mình tài hoa, trí óc và sáng tạo riêng. Nếu như bác sĩ và giáo viên cần nghiên cứu chuyên môn cao sâu, ngành công nghệ cũng đòi hỏi thêm yếu tố nhạy bén thì kiến trúc sư mang trong mình sứ mệnh mang đến vẻ đẹp và chất lượng cho không gian sống mỗi nhà. Mỗi công trình được kiến tạo không thể thiếu bàn tay của họ. Nghề cao cả, cống hiến và làm đẹp cho đời. Vì vậy, thế hệ kiến trúc sư trẻ ngày nay, ngày mai hay mai sau có quyền tự hào vì những nét tô son điểm phấn của mình khắc dấu trên mảnh đất này.